Tham luận: Nâng cao chất lượng dạy - học môn Ngữ văn khối 9

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục nói chung và giáo dục của địa phương nói riêng, góp phần thúc đẩy cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp CNH- HĐH đất nước thì vấn đề “Nâng cao chất lượng giáo dục” là vấn đề được các nhà quản lí giáo dục và đông đảo đội ngũ giáo viên đặc biệt quan tâm. Trong giới hạn cho phép, tôi chỉ trình bày tham luận về “ Nâng cao chất lượng Dạy- Học môn Ngữ văn khối 9” trong xu thế hiện nay mà thôi.
             Trước hết, một nội dung quan trọng cần phải đề cập đầu tiên đó là đổi mới phương pháp dạy học như thế nào để mang lại hiệu quả ? Như chúng ta đã biết, phương pháp dạy học đổi mới là cách thức dạy học theo lối phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.Vì thế thường gọi phương pháp này là phương pháp dạy học tích cực; ở đó, giáo viên là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý, tổ chức, giúp cho người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo kiểu tranh luận, hội thảo theo nhóm.Người thầy có vai trò trọng tài, cố vấn điều khiển tiến trình giờ dạy.Phương pháp dạy học này rất đáng chú ý đến đối tượng học sinh, coi trọng  việc nâng cao quyền năng cho người học.Giáo viên là người nêu tình huống, kích thích hứng thú, suy nghĩ và phân xử các ý kiến đối lập của học sinh; từ đó hệ thống hóa các vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những kiến thức cần nắm vững.Giáo án dạy học theo phương pháp này được thiết kế theo chiều ngang theo hai hướng song hành giữa hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Ưu điểm của phương pháp dạy học tích cực rất chú trọng đến kĩ năng thực hành, vận dụng và giải quyết các vấn đề thực tiễn, coi trọng rèn luyện và tự học.Đặc điểm của phương pháp dạy học này là giảm bớt thuyết trình,diễn giải; tăng cường dẫn dắt, điều khiển, tổ chức, xử lí tình huống song nếu không tập trung cao, học sinh sẽ không hệ thống và logíc được kiến thức.Để thực hiện hiệu quả phương pháp này, yêu cầu học sinh phải chuẩn bị  bài kĩ ở nhà trước khi đến lớp và phải mạnh dạn, tự tin bộc lộ ý kiến, quan điểm.Giáo viên phải chuẩn bị kĩ bài giảng, thiết kế giờ dạy, lường trước các tình huống để chủ động tổ chức giờ dạy có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động dạy và học.
             Dạy Văn phải là dạy các em cách cảm thụ văn học một cách chủ động, sáng tạo mới là chủ yếu chứ không phải  chỉ là cảm thụ qua lời giảng (dù nghe rất hay) của người thầy được ghi chép lại và ghi nhớ thụ động qua học thộc lòng ở nhà.Học sinh rất cần được thầy cô trang bị và hướng dẫn cho phương pháp phân tích, bình giảng một bài văn, bài thơ như thế nào và các em cần được tự mình cảm thụ một bài văn, bài thơ theo cách riêng của mình.Ví dụ, trước khi học bài thơ nào đó trong sách giáo khoa, giáo viên yêu cầu các em ở nhà tự phân tích, bình giảng theo cách của mình. Đến giờ học, giáo viên cho các em thảo luận, tranh luận theo nhóm sau đó thầy, cô cho các nhóm trình bày và tranh luận trước lớp.Việc tranh luận đó sẽ giúp các em hiểu sâu hơn và nhớ nhanh hơn vì các em được tiếp thu kiến thức một cách chủ động, thoải mái. Thầy cô chỉ đóng vai trò là người gợi mở và bổ sung thêm những điều các em chưa biết, chưa rõ và hiểu chưa đúng mà thôi. Các em chắc chắn sẽ hiểu bài nhanh hơn và sâu hơn và các em sẽ hình thành thói quen suy nghĩ một cách chủ động, độc lập sáng tạo và biết chia sẻ những suy nghĩ của mình với người khác.Nhiều em có thể thuộc bài ngay trong giờ học vì các em đã tự phân tích và nghiên cứu bài thơ hay bài văn đó rất kĩ trước khi tới lớp.
            Để thúc đẩy đổi mới PPDH môn Ngữ năn khối 9, một nội dung quan trọng nữa nhằm góp phần nâng cao chất lượng Dạy- Học bộ môn này là đổi mới kiểm tra đánh giá.
           Về mặt lý luận, đánh giá là công cụ quan trọng chủ yếu điều chỉnh quá trình dạy và học, là động lực để đổi mới phương pháp dạy học, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo con người theo mục tiêu giáo dục.
           Đánh giá với hai chức năng cơ bản là xác nhận và điều khiển. Xác nhận đòi hỏi độ tin cậy, điều khiển đòi hỏi tính hiệu lực. Thực hiện tốt đồng thời cả hai chức năng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đánh giá chất lượng giáo dục gồm nhiều vấn đề, trong đó hai vấn đề cơ bản là đánh giá chất lượng dạy của thầy và đánh giá chất lượng học của trò. Đánh giá thực chất sẽ tạo được động lực nâng cao chất lượng dạy và học.
            Kiểm tra được xem là phương tiện và hình thức quan trọng nhất của đánh giá. Nó là một khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình dạy học giúp giáo viên có thể nắm bắt cụ thể, chính xác năng lực học tập của mỗi học sinh qua việc giải quyết những tình huống đặt ra liên quan đến các nội dung của một bài học, một chương hoặc một giai đoạn học tập. Do vậy, những yêu cầu và nội dung kiểm tra phải bám sát quá trình học tập, bám sát mục tiêu môn học, có sự phân hóa theo từng đối tượng học sinh, có nhiều cách thức và phương tiện giúp cho việc kiểm tra đạt hiệu quả; trong nhà trường hiện nay, phương tiện (hay công cụ) kiểm tra chủ yếu là qua các đề kiểm tra.
           Với vai trò, chức năng quan trong như thế, KTĐG luôn không ngừng đổi mới thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Vậy đổi mới cách KTĐG là đổi mới ở những khâu nào, những yếu tố nào?
           Trước hết phải khẳng định rằng việc đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm vào hệ thống kiểm tra, đánh giá là một điều mới. Trắc nghiệm cho phép kiểm tra kiến thức ở diện rộng chứ không phải trong phạm vi hẹp như kiểm tra tự luận. Đồng thời trắc nghiệm cũng cho phép tích hợp kiến thức ở mức độ thấp cả ba phân môn của môn Ngữ văn.
           Việc đổi mới thứ hai là bên cạnh chú ý các kiến thức sách vở còn chú ý nhiều đến kỹ năng vận dụng kiến thức. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng tối thiểu, cơ bản cũng vẫn là chưa đủ. Vấn đề là các kiến thức và kỹ năng đó cần phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa với kỹ năng mà học sinh sẽ sử dụng trong đời sống thực. Vì vậy, đánh giá là đánh giá kiến thức, năng lực và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống thực, chứ không phải là cho hoàn cảnh giả định. Học sinh học viết đơn là có thể viết được tất cả các loại đơn từ có thực trong đời sống chứ không phải là lý thuyết đơn từ trong sách dạy tập làm văn.
            Việc đổi mới thứ ba là trước đây chỉ có người giáo viên đánh giá học sinh khi nhận xét, cho điểm các bài tập và bài kiểm tra. Giờ đây, học sinh sẽ tham gia vào quá trình đánh giá. Các em nhận xét về cách trình bày, cách trả lời của bạn, nhận xét về chất lượng bài tập của bạn. Khi các em nắm vững nội dung và chuẩn đánh giá. Một số học sinh được giao đánh giá bài làm của bạn mình hay của nhóm bạn, sau đó giáo viên mới đưa ra những điều chỉnh và uốn nắn nếu thấy cần thiết.
            Cuối cùng là việc đánh giá bài thực hành của cá nhân, đánh giá năng lực hợp tác, phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao cho nhóm. Đây là một hình thức đánh giá mới. Trước đây chỉ chú ý đánh giá khả năng của cá thể mỗi học sinh. Nhưng thực tế có những công việc và nhiệm vụ đòi hỏi phải làm việc tập thể và phối hợp nhau. Đó cũng là một cách để việc đánh giá không phải chỉ dựa vào tình huống giả định mà là tình huống ấy sẽ diễn ra trong đời sống thực của các em sau này.
             Đó là những điểm đổi mới đánh giá. Còn đổi mới trong kiểm tra thì sao? Như trên trình bày, có nhiều hình thức và phương tiện giúp cho việc kiểm tra đạt hiệu quả; trong nhà trường THCS hiện nay, phương tiện kiểm tra chủ yếu là qua các đề kiểm tra (kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan và trắc nghiệm tự luận, phần tự luận phải phát huy cao nhất tính sáng tạo bản sắc riêng của từng học sinh trong cách trình bày, tạo lập văn bản; tránh ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng.), mười lăm phút, một tiết, bài viết 90 phút thì không phối hợp trắc nghiệm khách quan vào.
              Có ý kiến cho rằng trong xu thế hiện nay thì các bài kiểm tra thường xuyên và định kì( không tính bài kiểm tra học kì) không nên đưa hình thức trắc nghiệm khách quan vào vì không đánh giá được thực chất  khả năng suy luận, phân tích, tổng hợp… của học sinh.Theo tôi, không hoàn toàn phủ nhận ý kiến này (vì ý kiến này chỉ dựa vào nhược điểm của hình thức này mà thôi, chưa thấy được ưu điểm của nó).Như vậy có thể khẳng định rằng hình thức trắc nghiệm khách quan vẫn cần thiết trong quá trình dạy học môn Ngữ văn. Chúng ta có thể không đưa hình thức trắc nghiệm khách quan vào đề kiểm tra học kỳ nhưng chúng ta không thể không đưa hình thức này vào các bài kiểm tra hay vào trong các tiết học (do những lợi thế nêu trên, vả lại với số lượng hơn 30 học sinh/lớp hiện nay thì không thể không phối hợp hai hình thức trắc nghiệm này). Tùy theo tính chất, yêu cầu từng bài kiểm tra mà xác định mức độ trắc nghiệm khách quan cho phù hợp. Còn tự luận thì sao? Hiển nhiên nó vẫn tồi tại trong bài kiểm tra nhưng tôi đặc biệt chú trọng đến khả năng phân tích, tổng hợp dữ kiện theo lời lẽ riêng của học sinh, dựa trên kinh nghiệm học tập hay kinh nghiệm ngoài đời, yêu cầu học sinh biết sử dụng các phương thức biểu đạt khác nhau hoặc có sự kết hợp các thao tác và phương thức biểu đạt.
            Mỗi GV đều có nghệ thuật riêng của mình trong giảng dạy để tạo sự lôi cuốn và hấp dẫn HS.Đây cũng là nội dung thứ ba mà tôi muốn trình bày trong tham luận này.Riêng tôi, xin nêu hai cách mà tôi thường sử dụng. Thứ nhất,mở đầu bài giảng một cách hấp dẫn: nhằm gây hứng thú học tập, thiết lập mối quan hệ giữa kiến thức cũ và kiến thức mới, đưa ra mục tiêu bài học cho HS. GV có thể tiến hành hoạt động này bằng nhiều cách khác nhau như kể một câu chuyện, trình bày sinh động một trích đoạn của bài học mới, đưa một thông tin hấp dẫn, một số tranh ảnh, giáo cụ trực quan, đặt một số câu hỏi có tình huống cần giải qưyết dựa trên vốn kinh nghiệm của HS…có liên quan đến một phần nội dung nào đó của bài học mới nhằm thu hút sự quan tâm của HS với bài học.Thứ hai, các câu hỏi tìm hiểu bài: chính là những nhiệm vụ học tập được nêu ra trong giờ học vừa giúp HS nắm vững kiến thức kỹ năng vừa góp phần phát huy trí lực, năng lực đọc, nghe, viết, nói, liên tưởng, tưởng tượng…cho HS.Tuy nhiên trong khi tiến hành giờ dạy, căn cứ trên trình độ cụ thể của HS lớp mình, GV cần phải cân đối để lựa chọn khi nào, lúc nào thì dùng câu hỏi bài tập  trong SGK, khi nào lúc nào phải thiết kế những câu hỏi khác cho phù hợp, hiệu quả.Để có giờ dạy tốt môn Ngữ văn, người GV không thể không đầu tư vào việc xây dựng, thiết kế một hệ thống câu hỏi, bài tập cho phù hợp với khả năng của HS cũng như ý tưởng dạy học của mình từ góp ý của những tài liệu “cứng” trong nhà trường như SGK, sách GV, sách bài tập…và những tư liệu tham khảo khác.Ở đây tôi thường kết hợp hai loại câu hỏi bài tập: loại trong SGK, sách bài tập và loại do tôi tự thiết kế. Những câu hỏi bài tập được thiết kế phải thỏa mãn những yêu cầu sau: khoa học( đúng, chính xác về nội dung- phạm vi- mức độ kiến thức, logíc trong diễn đạt ), sư phạm( ngôn ngữ chính xác, trong sáng, dễ hiểu, lệnh rõ ràng, vừa sức với đối tượng hỏi), hệ thống( mỗi câu hỏi phải nằm trong hệ thống các nhiệm vụ học tập, có trình tự kế tiếp nhau, liên quan đến nhau nhưng cũng có vị trí không thể thay đổi), hấp dẫn( sự lôi cuốn lòng ham hiểu biết, sự tập trung ở đối tượng được hỏi), đa dạng( kiểu dạng, mức độ phong phú)…
              Nội dung quan trọng cuối cùng nhằm nâng cao chất lượng Dạy- Học bộ môn Ngữ văn khối 9 thì chúng ta cần sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT như thế nào ?
             Giá trị lớn nhất của phương tiện dạy học nằm ở sự tác động của chúng tới các giác quan- đặc biệt là thính giác, thị giác. Các nhà nghiên cứu đã tổng kết mức độ ảnh hưởng của các giác quan tới quá trình tiếp thu tri thức như: 20% qua những gì nghe được, 30% qua những gì nhìn được, 50% qua nhìn và nghe, 80% qua nói, 90 % qua nói và làm.Điều này khẳng định cần thiết có sự hỗ trợ của các phương tiện nghe nhìn trong các giờ học, tránh dạy chay.Sự hỗ trợ của các phương tiện nghe nhìn mang lại hiệu quả cao cho các giờ học trong các hoạt động như: nêu vấn đề; tìm kiếm thông tin; mở rộng kiến thức; củng cố, ôn tập và hệ thống hóa kiến thức; kích thích trí tò mò, lòng ham hiểu biết; kích thích hứng thú học tập…Nếu dùng không đúng lúc đúng chỗ, các phương tiện dạy học lại có tác dụng ngược lại.Với môn Ngữ văn, một vài mẩu thông tin, vài tranh ảnh, những sơ đồ biểu bảng, những bài tập được in to phóng lớn…cũng có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào cách sử dụng của GV.Tất nhiên, với đặc trưng môn Ngữ văn, những tác động tới hoạt động nghe, nói, nhìn là rất quan trọng.
               Ở bộ môn Ngữ văn 9, phương tiện sử dụng quen thuộc và thường xuyên nhất là bảng viết và tranh ảnh.Bảng viết là phương tiện truyền thống, trình bày bảng lại là nghệ thuật sao cho HS có thể quan sát được, ghi chép được một cách hệ thống, đầy đủ các nội dung theo tiến trình bài học.Cần có bảng phụ để viết, vẽ những gì có thể xóa được, hoặc để HS lảm bài và GV có thể chữa trực quan.
           Giáo viên phải sử dụng triệt để tranh ảnh có trong SGK và thiết bị được cung cấp cộng với tranh ảnh sưu tầm, tự làm( phải sử dụng thiết bị dạy học đúng lúc, đúng chỗ như trình bày ở trên).
          Việc ứng dụng CNTT( giáo án điện tử) cho bài dạy sinh động thu hút học sinh phải tùy thuộc vào sự khéo léo của từng GV. Không biến tiết trình chiếu thành chiếu chép,hoặc thành tiết hướng dẫn học sinh đi tham quan( lạm dụng hình ảnh…).
          Như vậy với những nội dung vừa trình bày ở trên, tôi có thể tin tưởng rằng điều đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng Dạy- Học bộ môn mình đang giảng dạy trong năm học.

         Trân trọng kính chào!

Người thực hiện: Phùng Văn Hoà

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Người theo dõi

Trường THCS Long Hưng A Copyright © 2010 Blogger Template Sponsored by Trip and Travel Guide